Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Anh "Chánh Văn" của Hoa học Trò: Cha đẻ của thuật ngữ 8X, 2Y

(TT&VH) - Hết hôm nay là đến hôm qua (Đinh Tị Books & NXB Văn Học, 2012) gồm 28 truyện ngắn với chủ đề duy nhất: tình yêu. Yêu, cũng là lĩnh vực mà nhà văn Hoàng Anh Tú, với cái tên khác thân thương hơn, anh Chánh Văn của báo Hoa Học Trò, phải giải đáp nhiều nhất cho những thắc mắc của các trăng náu, trăng tròn, hay trăng xế…
1. Thật bất ngờ khi biết, người đạt kỷ lục gửi liên tiếp 36 truyện ngắn cách đây 20 năm, cho báo Hoa Học Tròmà không được đăng, giờ đã xuất bản hơn chục tập truyện ngắn không thể kể hết tên, đồng thời là Trưởng ban Biên tập báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò. Bên cạnh đó, còn là chủ biên các ấn phẩm: Tuần báo 2!, Người Trẻ Việt, tạp chí 2! Đẹp, nguyệt san Tuổi Mới và tủ sách Lời Yêu.


Chân dung nhà văn Hoàng Anh Tú
Không chỉ vậy, thuật ngữ “8X” từng được dư luận tranh cãi mổ xẻ và là chủ đề nóng một thời trên các trang báo cũng do ý tưởng của anh. Khởi nguồn từ năm 2003, khi anh làm chuyên mục Nhân vật 8X, với mong muốn gọi tên ra một thế hệ “của những người trẻ sinh sau những năm đổi mới đầy tự tin, hiểu biết và tôn trọng bản thân”. Nối tiếp đa tài (và có song hành cùng đa tình?) là biên kịch bộ phim nhựa từng nổi đình nổi đám Chiến dịch trái tim bên phải, một trong năm phim được Cục Điện Ảnh xét duyệt. “Đó là bộ phim cho giới trẻ duy nhất bên cạnh 4 phim "cúng cụ”, nhà văn Hoàng Anh Tú cười, kể lại.
Tốt nghiệp khoa Biên kịch, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, vốn liếng trình làng của nhà văn Hoàng Anh Tú vẻn vẹn bộ phim nhựa ấy, rồi đến giờ, lặn mất tăm.
Bìa tập truyện "Hết hôm nay là đến hôm qua"
2. Truyện ngắn của Hoàng Anh Tú nhỏ nhắn, xinh xinh, giống như một câu chuyện tình tưởng thoảng qua như gió mà buộc người phải mãi nhớ. Đọc truyện của Tú, thấy anh viết cứ nhẹ nhõm như một trưa hứng thú lên rủ bạn ra quán bia vỉa hè ngồi nhậu. Có lẽ cũng bởi lai rai nhiều, mà lắm khi phải e thẹn trước ống kính phóng viên che nhẹ cái bụng bắt đầu giãn nở.
Tình yêu trong trí tưởng tượng, hay lúc nào đó rút từ kinh nghiệm bản thân viết ra của nhà văn Hoàng Anh Tú đủ muôn hình vạn trạng. Đọc hơn trăm truyện ngắn của anh, chẳng thấy chuyện tình nào giống chuyện tình nào, chỉ có cái đau đớn, cái hẫng hụt, cái tiếc nuối thì không đổi. 
Với tập truyện Hết hôm nay là đến hôm qua, từ một chuyện giả đò chia tay dẫn đến không còn thể kết nối lại đường yêu (Phép thử), đến trò chơi cưa cẩm một anh chàng nhàn nhạt của đám con gái mới lớn rỗi hơi để rồi phải trả giá bằng thân xác với một gã đáng kinh tởm (Trò chơi quyến rũ). Hay chuyện một chuyến đi xa, cô gái thử yêu một người bạn từng ảo trên mạng, giờ gặp thật ngoài đời trong ba ngày (Một cuộc trình diễn)… Rồi những chuyện Đùa chứ, em yêu anh!, Chúng mình yêu nhau xong rồi!, Em yêu anh, ngốc ạ!, Nàng kỳ lạ bước vào đời tôi, Có một đôi yêu nhau…  Cứ thế, yêu và yêu rồi yêu…
Truyện của Hoàng Anh Tú rất dễ đọc, quá phù hợp với những cô gái chàng trai mộng mơ lãng mạn liên miên cảm xúc yêu đương, của lứa tuổi từ khoảng 14 (bắt đầu quan tâm sâu sắc đến mọi nhu cầu bản thân, đòi hỏi mọi cách để có được, trong đó có yêu) đến dưới 30. Đôi khi có thể cho những phụ nữ ngoài 50 tuổi, với điều kiện, tâm tính còn rất hồn nhiên và ngây thơ. 
Tuy nhiên, sự dễ đọc đó nằm ngoài mặt câu chữ, còn kết cấu truyện thì phức tạp và kết truyện hết sức bất ngờ rất mực thú vị bởi sự tưởng tượng rộng mở từ bộ não thông minh. Truyện của Hoàng Anh Tú cũng vì thế mà đầy lý tính, ít thấy rung cảm từ trái tim. Dĩ nhiên, khi nhân vật của anh đã đi sai đường, muốn thỏa mãn cái tôi của mình trên nỗi đau người khác, thì Hoàng Anh Tú (với tư cách cha đẻ) “xét xử” không khoan nhượng với đủ kiểu bi kịch trớ trêu.
Câu chữ giản dị, thoại trong truyện thì ngắn ngủn, tưng tửng, lành lạnh, bất cần, vừa đủ ý. Điều này khác với anh Chánh Văn ngoài đời, dí dỏm, tươi vui, nhiệt thành, luôn muốn chia sẻ những gì có thể cho mọi người, kèm thêm nói giỏi, nói dài, nói kín kẽ lẫn nhiều tình cảm.
3. Bởi văn của Hoàng Anh Tú hợp vị với số đông, thế nên mỗi tập truyện đều in nhiều bản và bán chạy. Bìa truyện của Hoàng Anh Tú, cũng như đối tượng độc giả mà anh muốn hướng tới luôn là hình ảnh các khuôn mặt trẻ trung, tràn ngập màu hồng hồng, tím tím, xanh xanh. Tiểu thuyết thì sao? Tôi hỏi anh. “Đang có ý tưởng cho hai cuốn tiểu thuyết, phần nhiều là những ký ức, cảm xúc rất cá nhân. Và tất nhiên, dành cho người thực sự… lớn”. Nhà văn Hoàng Anh Tú trả lời.
Hết hôm nay là đến hôm qua, hết truyện ngắn là chờ tiểu thuyết. Rồi đón đợi nhà văn Hoàng Anh Tú, thực sự là nhà văn Hoàng Anh Tú của tuổi 35 (anh sinh năm 1978), không còn mang khuôn mặt Chánh Văn, với các truyện ngắn viết ra, hầu như mang xúc cảm tái tạo bởi các câu hỏi hồn nhiên từ độc giả của những tờ báo mà anh đang chủ biên.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét